Monday, February 23, 2015

THIỆP MỜI HỌP MẶT TÂN XUÂN

                                                                             

Wednesday, February 18, 2015

BUỒN VUI: CÁN BỘ CÓ NHAU


Các anh chị thân mến,

Nhân dịp Năm Mới Ất Mùi, Hội Cựu Cán Bộ XDNT Bắc California có một chuyện buồn và một chuyện vui, xin được tường trình cùng quý anh chị:

Theo thông lệ, chúng tôi xin kể chuyện buồn trước:

Khi chúng tôi gọi điện thoại cho cậu X, con trai của anh Y (chúng tôi xin được dùng mẫu tự thay cho tên, vì không muốn gây thêm phiền toái cho những người liên quan) để báo cho cậu biết là anh em đồng đội cũ của cha cậu ở Hải Ngoại muốn gởi một món quà tết về tặng cho cha cậu, thì cậu X rất vui mừng, có lẽ nghĩ rằng cha mình sẽ có một món tiền nhỏ để vui Xuân. 

Nhưng vào ngày 15 tháng 2 vừa qua, dịch vụ chuyển tiền báo cho chúng tôi biết là anh Y từ Việt Nam đã từ chối nhận món quà “tình nghĩa” này.

Chúng tôi rất hoang mang, không hiểu vì lý do gì anh Y lại “chê” quà từ những người bạn cũ của mình.

Chúng tôi liền gọi điện thoai về cho cậu X để xác nhận hư thực, thì được cậu giải thích với đại ý như sau:

Mặc dù gia đình cậu rất nghèo, bố cậu bị mất một mắt, đời sống rất khó khăn, nhưng ảnh không dám nhận bất cứ gì từ hải ngoại; vì mỗi lần nhận quà, phải lên tỉnh trình diện, rồi bị chất vấn đủ điều, nay làm báo cáo, mai làm tường trình…; nên ảnh nói thà sống đạm bạc để được yên thân; còn hơn là nhận quà để bị "tra hỏi, khiến đời sống trở nên bất an".

Khi nghe như vậy, chúng tôi rất đau buồn khi nghĩ câu “họa vô đơn chí”; đã “nghèo” còn gặp “eo”.  Thật đúng với trường hợp này.  Nhưng xin cho chúng tôi được miễn bình luận; và chắc chắn các anh chị cũng cảm thấy xót xa…. 

----------

Bây giờ, sắp bước qua Năm Mới rồi, xin cho chúng tôi được báo cáo tin vui:

Kính thưa quý anh chị,

Sau một tuần lễ “phát động chiến dịch” CHÚT QUÀ CHO ĐỒNG ĐỘI (đợt nhì) chúng đã được 26 cá nhân và hội đoàn hưởng ứng qua số tiền khá lớn, theo danh sách “Mạnh Thường Quân” sau:
 
TT
Anh chị “MTQ”
Từ
Số Tiền
Ghi Chú
1
Bùi Ngọc Khiết
Thousand Oaks
$50

2
Café XDNTBắc Cali
San Jose
870

3
Dương Văn Loan
San Jose
100

4
Đào Minh Quân
San Jose
50

5
Hình Thế Lục
San Diego
50

6
Hoàng Bùi
San Jose
40

7
Lê Thị Việt
San Jose
90

8
Linh Sơn Lĩnh Bắc Cali
Stockton
60

9
Ngô Thiên Toảng
Virginia
50

10
Nguyễn Duy An
San Jose
50

11
Nguyễn Tài Lâm
Houston, TX
50

12
Nguyễn Thị An
Oregon
50

13
Nguyễn Trọng Tài
San Jose
50

14
Nguyễn Văn Đông
Santa Ana
50

15
Nguyễn Văn Hội
Long Beach
50

16
Nguyễn Văn Nhựt
Santa Ana
100

17
Nguyễn Văn Vui
Louisiana
100

18
Phạm Quang Mỹ
San Jose
50

19
Phạm Thái Học
San Jose
40

20
Phùng Ngọc Tường
San Jose
100

21
Thân Trọng Quang
Seattle
200

22
Trần Bảo Hòa
San Jose
150

23
Trần Kim Vinh
San Jose
50

24
Trần Nhật Kim
Virginia
100

25
Trương Thu Kỳ
Navarre, FL.
300

26
Võ Quý
San Jose
50


Cộng

$2,900


Ngoài việc yểm trợ tài chánh, quý anh chị cũng đã cung cấp cho chúng tôi 19 người cần được giúp đỡ:
  1. Cao Ngọc Dung, Trà Vinh, (Cựu CB/TTHL/CBQG /Vũng Tàu): Liệt giường.
  2. Huỳnh Tiện: (Cựu CB/XDNT Tỉnh Khánh Hòa): già yếu và nghèo khổ. (Anh Vũ Đắc Điềm giới thiệu).
  3. Lã Ngọc Hiên (Cựu Cán bộ TT/HL/VT) Bị mù 2 mắt.
  4. Lê Ngọc Thanh (Cựu Trưởng Phòng Quản Trị - TĐ Quảng Trị) Bị bệnh nặng.        
  5. Nguyễn Bá Kháng, (Cựu CB/XDNT/ Thừa Thiên): Neo đơn, nghèo, già yếu.
  6. Nguyễn Hữu Trí: (Cựu CB/XDNT/Bà Rịa) Tai biến mạch máu não.
  7. Nguyễn Thành Hữu (Cựu TĐTrưởng Long An):  Bị mù 2 mắt.
  8. Nguyễn Thỉ: (Cựu CB/XDNT/ Quảng Trị) Cán phế, nghèo khổ.
  9. Nguyễn Văn Bé (CB/XDNT Phước Tuy) Già yếu, rất nghèo, vợ liệt giường (Do anh Khánh giới thiệu).
  10. Nguyễn Văn Cần (CB/XDNT Vĩnh Long): Múc mắt phải (Danh sách anh Nhựt).
  11. Nguyễn văn Hào (Cựu TĐ Phó Kiên Giang): Thương phế binh.
  12. Nguyễn Văn Hiếu, Bình Phước, (Cựu CB/XDNT/Bình Long), Bị thương, hư một tay.
  13. Nguyễn Văn Kiểm: (Cựu CB/XD/PTNT Bình Long) bị thương vì công vụ và hiện đang trong viện dưỡng lão.
  14. Nguyễn Văn Kiều (Cựu CB/XDNT/Bà Rịa): Tai biến mạch máu não.
  15. Nguyễn Văn Tài (CB/XDNT Định Tường) Cụt tay phải, cụt chân trái (Danh sách anh Nhựt)
  16. Phạm văn Tư (Cựu Cán bộ Long An) Mất một chân.
  17. Quả phụ Nguyễn Đức Kính (Cán bộ TĐ Quảng Nam), người bị cụt 2 chân và vừa qua đời vào cuối năm ngoái. (Do anh Trần Văn Thơm ở San Jose cung cấp).
  18. Văn Sò, (Cựu Đoàn Trưởng XDNT Khánh Hòa): Parkinson’s Disease, nghèo, neo đơn. (Anh Vũ Đắc Điềm giới thiệu).
  19. Vương Thế Hào (Cựu CB/TTHL/CBQG/Vũng Tàu), trọng bệnh, hoàn cảnh khó khăn.
Cũng như năm ngoái, Ban Chấp Hành quyết định tặng mỗi anh chị có tên trên 150 USD, nên kết toán như sau:


Thu

$2,900


Chi
-($150 x 19) =
-$2,850



$50


Và sau đây là tiến trình gởi quà:
1.     Ngày 1 tháng 2 năm 2015 chúng tôi đã nhờ dịch vụ  “Gởi Tiền Lẹ” chuyển về cho 14 anh chị (Xin xem “Biên Nhận” [Payment Order Form] đính kèm).

2.     Chị Lê Thị Việt (chị Khánh) về Vũng Tàu thăm gia đình, nên chúng tôi đã nhờ chị chuyển $450 cho anh Nguyễn Như Cương để anh đích thân trao quà cho 3 anh ở Bà Rịa:
·        Nguyễn Văn Bé,
·        Nguyễn Hữu Trí, và
·        Nguyễn Văn Kiều.
Ghi chú: Anh Cương (Cựu trưởng phòng Quản Trị TĐ/CB/XD/PT NT/Phước Tuy), từ Texas, về VN tặng quà cho đồng đội. Ngoài ra,  anh Cương còn nhận $50 từ Anh Dương Ngọc Dược (Cựu TĐT/P.Tuy),  rồi phụ thêm $100 thành $150,  trao cho anh Thiện (nhóm “giao lưu” CB/XD/PT/N / P.Tuy), để tặng thêm cho 6 anh em trong hoàn cảnh khó khăn.

3.     Anh Nguyễn Văn Phúc và chị Phương Diệu đang ở Việt Nam nên chúng tôi cũng nhờ anh chị đến viếng thăm và trao quà cho 2 anh:
·        Lã Ngọc Hiên, và
·        Võ Thế Hào.

Mời quý anh chị xem một vài hình ảnh viếng thăm và trao quà:


Anh Nguyễn Văn Phúc và anh chị Lã Ngọc Hiên.




Phương Diệu và anh Võ Thế Hào.



​Kim Loan và anh Hào.

Kính thưa quý anh chị,

Như vậy, vì anh Y đã từ chối nhận quà, Hội còn giữ lại số tiền $200 ($150 hoàn trả từ anh Y và $50 còn dư nói trên, không tính lệ phí chuyển tiền, do anh Hiền tặng).

Một lần nữa xin cảm ơn sự nhiệt tình của quý anh chị qua chiến dịch “lá lành đùm lá rách”; hy vọng những anh em của chúng ta từ quê nhà sẽ được hưởng một cái tết đậm đà tình nghĩa đồng đội.

Kính chúc quý anh chị một năm mới dồi dào sức khỏe, an khang và thịnh vượng.

San Jose ngày 18 tháng 2 nåm 2015,


















Monday, February 16, 2015

NUÔI GÁI

Chuyện Vui Cuối Năm

Người bạn vong niên nói với Quảng "Ông kể đã nhiều về nuôi rắn, nuôi cá, nuôi dơi, nuôi heo nọc, nuôi dê...vậy còn chuyện nuôi gái thì thế nào?"

Hỏi mắc cười thì thôi.

Nhớ hồi Quảng hơn 20 tuổi đang đóng quân trong phi trường Đà Nẵng, lãnh lương gần 30 ngàn trong khi lương Binh Nhì có chừng 12 ngàn. Như vậy so với người ta thì Quảng chẳng đến nỗi đói khát, thế mà chẳng tháng nào Quảng không phải đi cầm thẻ lương ở Khu Gia Binh, nơi vợ mấy ông Thượng Sĩ chuyên cầm thẻ với tiền lời xanh xít đít đui.

Chung qui cũng vì ...nuôi gái!

Ở quê Quảng, mấy ông già búi tó, thường ngồi ngâm nga sách thánh hiền bên chai rượu đế như sau:

-Muốn giàu nuôi cá
-Muốn khá nuôi heo
-Muốn nghèo nuôi gái...
Nuôi cá, nuôi heo giàu đâu chưa thấy, nước lũ tràn về heo mẹ heo con, cá lớn cá bé trôi tuột ra ngoài biển. Như thế cả hai vế trên đã sai rồi, vế thứ ba ắt cũng cùng một lứa, vậy nuôi gái chắc cũng chẳng nghèo. Tâm đắc như vậy, nên suốt đời Quảng từ hồi trẻ cho đến bây giờ cứ nai lưng ra nuôi gái.

Hồi đó để cuộc sống được thoải mái hơn là ở trong trại, Quảng bèn dông ra phố mướn nhà.
Đối với những em bé nữ sinh ở gần nhà trọ, khởi đầu gọi Quảng là chú- đến khi em bỏ chiếc áo lá phía trong áo dài, mà thay bằng cái chuối-chiên (hình như tiếng Tây kêu là cái soutien) thì xoay ra kêu bằng anh xưng em ngọt xớt- Quảng chỉ tốn tiền dẫn đi xi nê, mua sách Tuổi Hoa màu tím để tặng, dẫn đi ăn kem, ăn bánh bèo rồi "uống ly chanh đường uống môi em ngọt" thì cũng chẳng tốn hao bao nhiêu.

Cho đến một ngày Phi Đoàn ra lệnh đứa nào cũng phải tập nhảy đầm. Không Quân mà không biết nhảy đầm thì quá yếu.

Quảng quê mùa, từ nhỏ đã chân lấm tay bùn, chỉ biết nhảy dây, nhảy cò cò, vô lính biết thêm món nhảy xổm khi bị phạt trong quân trường. Thằng partner dậy cho Quảng cứ kêu oai oái khi đôi bốt đờ sô của Quảng đạp lên chân nó liên tu bất tận. Nó than thở nhảy đầm là môn khiêu vũ rất nghệ thuật, mà phải vần Quảng cứ như vần cái cối xay, rồi từ chối không chịu dậy nữa.


Quảng sợ bị ký củ, vì tội không biết nhảy đầm, nên một mình len lén chui vô Đăng-xinh.

Thấy Quảng khờ khạo nhưng cũng xinh giai, các em xúm bu vào dậy Quảng nhảy. Tiền trả tích-kê thì có đây vì Quảng mới cầm thẻ luơng, nhưng nhảy đầm thì ôm xiết, cọ quẹt tùm lum khiến Quảng rất là "bức xúc". Quảng cũng biết, rủ mấy em Cave này đi phố hay về nhà trọ thì chết, vì các em là những cỗ máy ngốn tiền, nên đành lom khom tới thăm con cái của bà Tư Nước Nóng hay ghé quán chị Hai Tình. Mục này thâm lạm vào túi tiền của Quảng cũng không ít.

Về sau này có một em vũ nữ khá xinh mê Quảng như điếu đổ. Em nói không cần tiền vì biết lương Quảng chẳng bao nhiêu, nhưng cứ cái mửng hôm nay chiếc váy đầm, tuần tới lọ nước hoa hay cái bóp thì cỡ ông sếp lớn của Quảng cũng còn thác, huống chi Quảng.

Cuối năm 1975 khi mới đến Mỹ, Quảng định cư ở tiểu bang lạnh, các em trắng, đen hay gái Mễ lúc thất nghiệp thường ghé căn nhà nhỏ của mấy thằng sinh viên tỵ nạn nghèo mà đòi chia cơm xẻ áo. Số tiền nhỏ nhoi tụi Quảng kiếm được cũng đành bấm bụng chia ra mà bảo trợ mấy em nghèo này.

Bốn năm sau, Quảng hơn chúng bạn ở điểm lấy được cô vợ VN, bởi ngày ấy trai thừa gái thiếu, lấy đại cô vợ "ngoại quốc" thì cũng dăm ba tháng là rã gánh, lấy vợ VN là hãnh diện tự hào phước đức ông bà để lại.

Tưởng đâu ván đã đóng...."hòm", đời Quảng cứ thế mà trôi theo dòng cho đến ngày Chúa, Phật gọi đi theo ông theo bà. Ấy thế mà rồi có yên đâu, khi ngoài bốn mươi tuổi thì vợ chồng Quảng chia tay nhau, lòng cũng buồn nhiều, nhất là trách nhiệm nuôi hai đứa con gái còn đang đi học. Nàng nhẫn tâm để lại Quảng một mình gà trống nuôi con, mà đi theo người tình trẻ tuổi làm cùng tiệm nails!

Người ta thường thấy đàn bà bỏ chồng, nhưng ít ai thấy đàn bà bỏ con, mà bao nhiêu năm sau chưa bao giờ gửi cho con một món quà, hay một lời thăm hỏi nhân ngày sinh nhật của nó. Quảng nghĩ đàn bà như vậy cũng không tiếc xót gì.

Vết thương nào rồi cũng lành da; con cái lớn rồi lập gia đình, Quảng có nhiều ngày vacation nên về VN thăm nhà. Đi chơi cùng bạn hữu cũ, Quảng quen một người em gái làm ở quán bar nhỏ hơn Quảng hơn 20 tuổi. Quảng cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa để mộng mơ em yêu mình về nhân dáng, tánh tình hay tài cán, nhưng nhớ lại ngày xưa có nghe ai nói rằng "Thà lấy đĩ về làm vợ, còn hơn lấy vợ về làm đĩ".


Thế là Quảng đưa em sang đây. Không những Quảng phải nuôi nàng mà còn phải nuôi bố mẹ, anh chị em nàng nữa mới đau, vì không có tháng nào, tuần nào không có tin nhắn cha đau mẹ ốm, đứa em vào trường nọ trường kia, đứa cháu mới vô nhà thương vì bị xe đụng, cần sửa sang lại căn nhà, mua cho ông anh chiếc xe mới..

Riết rồi Quảng không dám nhấc điện thoại khi nghe nó reo, không check email hàng ngày như trước, vì có là nhà tỉ phú đi nữa cũng không thể lấp đầy cái túi không đáy kia.

Học kinh nghiệm của nhiều người, Quảng chơi chính sách "Ngu dân dễ trị" nên không cho vợ Quảng đi học gì hết, kể cả lái xe, vì biết rằng cửa chuồng rộng mở là con chim sẽ bay mãi không về.

Quảng nuôi nàng như chim kiểng trong lồng, cung phụng đủ mọi thứ, nhưng nàng buồn lắm. Quảng biết thế nhưng làm sao được.

Cho đến một hôm đang làm việc thấy nhức đầu quá, Quảng xin phép về sớm. Tới nhà không thấy nàng đâu và đến chiều, trước cái giờ Quảng thường đi làm về, nàng mới lạch cạch mở cửa vào nhà. Nàng giật mình hỏi "sao bữa nay anh về sớm vậy, em được người bạn quen tới chở đi ăn, rồi nói chuyện sa đà vì đã quá lâu không gặp".

Quảng ngạc nhiên là từ đó không thấy gia đình nàng xin tiền Quảng nữa, mà đồ dùng của nàng có nhiều thứ mắc tiền như nước hoa, son phấn, túi xách... Có hỏi thì đều được trả lời là con bạn này cho, đứa bạn kia tặng.

Sự nghi ngờ ngày càng lớn, nên một bữa kia sau khi tới hãng, Quảng đổi xe khác cho người bạn rồi lái về gần nhà đậu dưới bóng mát ngồi rình. Y như rằng, có một chiếc xe trờ tới ngừng trước nhà Quảng, rồi nàng mở cửa vừa rảo bước ra xe vừa dòm ngó hai bên. Quảng phóng theo xa xa thì thấy họ vào bãi đậu của một khách sạn loại xoàng ở đường Goldenwest. Đợi họ vào hẳn trong Quảng mới kiếm chỗ đậu cách xa ba bốn chiếc rồi ngả ghế ra đợi.

Hơn 30 phút dựa ngửa trên xe bức bối, Quảng suy nghĩ lung lắm, mình không thể mua súng xông vào làm dữ; ly dị lại càng thiệt thân, mà có khi chưa làm được gì, nó đã tự cào cấu chảy máu tùm lum rồi đổ cho mình hành hạ, vào tù dễ như chơi. Tốt hơn hết là cứ từ từ rồi nhờ tư vấn của ông bạn Luật Sư quen biết.

Mà lạ kià, người đàn ông bây giờ lại đi ra có một mình. Ngó ngoái không thấy cô nàng đâu, Quảng đánh liều bước ra mở nắp máy xe lên gõ cọc cạch, rồi khi thấy anh ta bước ngang liền hỏi:

-Xin lỗi anh có jump cable không ạ?

Anh ta nhìn gương mặt hiền lành có vẻ hơi đần của Quảng rồi gật đầu, lấy giây điện cho Quảng mượn, lại còn tử tế de xe cho gần xe Quảng.

Dĩ nhiên xe đề có một phát là nổ máy vì nó có hết bình đâu cơ chứ. Quảng cám ơn rối rít rồi làm quen:

-Anh trọ ở đây hả? Quảng từ 
San Jose xuống đây làm việc vài tuần, mà buồn quá vì không có bạn nên chẳng biết đi đâu. Nếu ông bạn rảnh, có thể chúng ta đi uống với nhau vài chai không? Xin cho Quảng được mời.

Anh ta liền vui vẻ:

-Được, nếu anh từ xa đến đây làm việc thì hôm nay anh được làm khổ chủ; c
òn lần sau thì đến lượt tôi.

Hai ng
ười nhắm phố Bolsa trực chỉ.

Người ta nói "rượu vào thì lời ra" đúng y boong, sau vài chai và gắp nửa dĩa heo rừng xào lăn, Quảng chưa khơi mào thì anh ta đã sung sướng khai báo:

-T
ôi đâu có ở khách sạn đó. Mới quen một em móng đỏ ở VN qua. Mình tội gì tốn tiền về bên đó cưới vợ, để mấy thằng già ngu về đem qua đây cho mình. Mấy cha đó lo cong lưng đi làm, có biết đâu trên đầu bị cắm bao nhiêu là sừng. Mấy con yêu nữ này nó quen biết nhau hết từ hồi còn ở VN, nên chỉ dẫn cho nhau đường đi nước bước, cách làm thế nào có nhà ở, có cơm ăn free, mà đi kinh doanh cái vốn riêng kia cũng không hề bị tụi ma cô ăn chận. Cứ chồng đi làm là kêu một thằng chở đến khách sạn. Nó thuê phòng tháng ở đó, một ngày tiếp không biết bao nhiêu khách, vì khách cũ lại giới thiệu số phone cho khách mới, đến trước 3g chiều là giờ chồng đi làm về thì nó đã ở trong nhà. Cái con tôi mới quen này dễ thương lắm, nó than là thằng chồng già của nó đối xử tàn bạo mà lại bị liệt dương. Ông có muốn số phone của nó không? Con này lạ lắm, khi nó bắt phone thì mình phải kêu lên "ô mai gót" (Oh My God) thì nó mới tiếp chuyện.

Trong lòng Quảng cay đắng lắm vì vừa được phong chức thằng già ngu dốt bị cắm sừng, bây giờ còn bị cho là liệt dương..

Quảng hớp một ngụm bia lớn cho cái cục nghẹn trôi xuống rồi hỏi:

-Một dù bao nhiêu?

-Nó đòi hai trăm, nhưng khi ế mà là khách quen thì một trăm cũng OK, có điều khi gọi phone phải đúng mật mã nó mới tiếp.

Suốt mấy tháng sau đó, Quảng cứ âm thầm bầy mưu tính kế, trong lòng như lửa đốt nhưng bề ngoài vẫn cười nói như thường. Quảng tính nhẩm cứ mỗi ngày nó kiếm một vài ngàn thì một tháng ít nhất cũng hai ba chục. Không biết Quảng bị cắm sừng đã bao lâu, có thể số tiền nhơ nhớp kia đã lên tới gần trăm ngàn. Cho dù có gửi về VN đi nữa cũng không là bao, mà gửi nhà bank chắc là nó không dám, với cái thói quen giữ tiền mặt của người mới qua còn lâu mới bỏ được.

Quảng ghê tởm cô ta nên chẳng thiết gần gũi nữa, nhưng vì không muốn gây nghi ngờ, nên bất đắc dĩ lắm thì Quảng mang "vớ", biết đâu cô nàng đã dính Sida.

Có một cuối tuần, cô ta xin đi với bạn bè lên 
Las Vegas chơi vài ngày. Quảng đoán rằng có một khách xộp nào bao đi chơi cả mấy ngày đây, nên tuy tỏ ra khó chịu một chút, nhưng sau cùng cũng đồng ý, lại còn nói Quảng cũng phải đi San Jose cả tuần vì công việc hãng.

Trước khi rời khỏi nhà, Quảng còn căn dặn phải khoá cửa nẻo đàng hoàng, phải về trong chiều Ch
ủ Nhật; đến  Las Vegas phải gọi báo cho Quảng v v....y như lời một người chồng thương yêu vợ rất mực.

Sáng sớm Th
ứ Bảy, Quảng phóng xe ra khỏi nhà ít phút là vòng lại, đậu xa xa, lại còn cẩn thận cho xe mình núp giữa hai chiếc xe khác. Một lát sau đã thấy có người đàn ông tới rước nàng, rồi xe vụt chạy.

Quảng mở cửa vào nhà, mang găng tay rửa chén vào, rồi lục các ngăn kéo, moi móc dưới nệm, kẹt tủ, đồ đạc quần áo vất tung tóe trên giường trên thảm, không thấy gì hết...Không biết con này nó gi
ấu tiền ở đâu. Ngồi thở dốc vì tức tối, Quảng bỗng sực nhớ tới cái tủ lạnh lưu trữ đầy nhóc ngăn đá, bèn chạy xuống lục tung: này thịt gà, này cá, này tôm, này thịt heo, này thịt bò, này lại thịt bò...còn mấy gói vuông vắn gì đây? Mở lớp bọc nylon, mở lớp giấy bạc foil thì lộ ra toàn tờ trăm, mỗi xấp khoảng 10 ngàn đô.
Quảng gôm 6 xấp vào một túi giấy, để kệ cha mấy bọc thịt vương vãi trên nền bếp, mở khóa cánh cửa sau nhà cho giống một vụ ăn trộm, rồi đường hoàng khoá cửa trước, lái xe ra thăm tủ an toàn ngoài nhà bank rồi vọt lên San Jose chơi.

Khuya Ch
ủ Nhật, cell phone của Quảng reo rồi tiếng nói như lạc thần của yêu nữ:

-Anh ơi nhà mình bị ăn trộm.

Quảng làm bộ sửng sốt:

-Khi nào? Nhà có mất gì không? Cửa chính, cửa sổ có bị đập bể không?

-Đồ đạc nó xổ tung khắp nhà, máy móc còn nguyên, em thấy cửa sau mở.

-Chắc là em quên khoá cửa trước khi đi chớ gì, anh đã dặn rồi. Thôi, chắc là ăn trộm thấy trong nhà cũng không có gì đáng giá, vì TV với computer cũ bán chẳng ai mua. Em có muốn kêu Cảnh Sát thì kêu, chứ anh thấy cũng không cần thiết vì mình có mất cái gì đâu.

-Nhưng mà em mất tiền.

-Bao nhiêu? Mà ở đâu em có?

-Dạ chút đỉnh thôi. Em nghĩ cũng không cần kêu cảnh sát.

Quảng chửi thầm "Mẹ nó, mất có chút đỉnh thôi hả? Đồ khốn, dám qua mặt ông."

Trưa thứ hai là Quảng về đến nhà. Đồ đạc còn tung tóe như bãi chiến trường. Nàng nằm úp mặt xuống gối, dã dượi như cái xác chưa chôn. Tiếc tiền quá mà!

Những ngày tháng sau đó, như để kiếm thêm thật nhiều để bù vào số tiền đã mất, nên nàng ta đi bất kể ngày đêm, chỉ viết giấy nhắn lại với Quảng là đi họp mặt bạn bè, đi chơi xa. Người ta thì còn có bạn cùng lớp, còn bạn của cô ta chắc chắn toàn là gà móng đỏ.

Quảng đã thuê một công ty thám tử tư, họ theo dõi, quay phim ghi âm đủ cả, để làm bằng chứng, nên một bữa kia, sau khi cô ấy nặng lời với Quảng, Quảng liền chở ra văn phòng ông bạn Luật Sư quen biết. Trên xe, cô ta hù doạ Quảng đủ điều, nào là chia của chia nhà... nhưng cô đâu biết những giấy tờ bằng Anh ngữ đã ký trước khi lấy nhau, rằng cô không được quyền chia chác gì, vì của cải đó đã do Quảng làm ra trước khi kết hôn.

Khi nghe Luật Sư trình bày mọi vấn đề, với nhiều chứng cớ ngoại tình thì cô ta tái mặt, im họng liền. Quảng nhỏ nhẹ:

-Thôi, tình nghĩa đôi ta tới đây chấm dứt. Ngày mai cô có thể dọn ra khỏi nhà.

Quảng chỉ có thể làm một điều cho cô, là hoãn việc ly dị cho đến khi cô đủ 3 năm để thi vào quốc tịch. Nếu sau đó 6 tháng mà cô vẫn rớt, thì Quảng buộc lòng phải nhờ Luật Sư đây nộp đơn ly dị.

Từ đó Quảng ở một mình thong dong tự tại, lâu lâu đi đấm bóp và ăn kim chi một lần.

Số tiền 60 ngàn kia Quảng đã rỉ rả lấy ra, mua vàng ở Phúc Lộc Thọ tống vào Safety box. Quảng cũng không màng đến số tiền nhơ nhớp này, nhưng chắc chắn nếu cần sẽ lấy ra giúp đỡ con gà móng đỏ kia khi nó lâm vào bước đường cùng. Chắc cũng không lâu lắm đâu, mà nếu đối đế Quảng cũng dùng vào việc khác chứ không phải cho cá nhân Quảng.

Đứa con gái lớn và chồng nó đều ở trong quân đội, lại mới có lệnh đi qua Trung Đông nên đem hai đứa con nhỏ về gửi cho Quảng.

Cứ mỗi sáng, ông ngoại chở tụi nó đến trường, chiều đón về.
Không biết trong tướng mệnh có vì sao "nuôi gái" không, mà sao nó chiếu mệnh Quảng suốt từ hồi thanh niên cho đến tuổi già: Nuôi gái nhí, đào non, gái già, nuôi con gái, nuôi gà móng đỏ rồi bây giờ nuôi hai con mắm cháu ngoại.

Nếu trời cho Quảng thọ, chừng mười mấy năm nữa may ra được nuôi cháu cố.

Nguyễn Viết Tân

Friday, February 13, 2015

EM TÔI

“Em tôi ưa đứng nhìn trời xanh xanh
Mang theo đôi mắt buồn vương giấc mơ ...”

Được tin nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, tác giả Em Tôi vừa qua đời
Mời nghe EM TOI, chắc không ai hát bằng ca sĩ Anh Ngọc:
Lê Trạch Lựu viết về “Em Tôi” 05/1946

Năm 1946 là năm tôi đi trại hè Sầm Sơn, đi với đoàn Hướng Đạo, cùng nhiều đoàn khác, tập trung tại sân ga Hà nội. Tôi thoáng thấy một cô gái xinh xinh, dáng người phong nhã, có đôi mắt đẹp tuyệt vời. Không hiểu sao tôi thấy tôi như choáng váng, má tôi nóng bừng như lên cơn sốt; lần đầu tiên tôi thấy tôi có cái cảm giác lạ lùng này. Nhà đoàn tôi « đóng trại » to lớn, rộng rãi, đó là những biệt thự nghỉ mát của bọn Pháp thuộc điạ bỏ lại, trước nhà là bãi biển mênh mông, sau nhà có một cái giếng. Trưa nào tôi cũng thấy cô gái ấy, đội nón, dưới nắng trang trang rũ áo, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn cô ta. Thỉnh thoảng cô nàng ngửng đầu lên, vành nón che đôi mắt, nhưng tôi biết là cô ta đang nhìn tôi. Thú thật, tim tôi đập thình thình. Chao ơi, yêu đương là như vậy hay sao? Đây là một rung động đầu tiên, nào đâu tôi có biết cảm giác này từ thuở ra đời.

 Về Hà nội tôi tìm nhà cô ta, vì có duyên nên tìm được ngay, cô ta ở gần nhà tôi. Bây giờ ta phải
tìm biết tên cô ta nữa! Chiều nào tôi cũng đi qua nhà cô ta, để nhìn vào nhà, tìm lại đôi mắt đẹp. Tôi thấy có nhiều cậu trai cỡ bằng tuổi tôi đi qua đi lại trước cửa nhà, như tôi. Lúc đó tôi cũng thấy hơi hơi lo… sợ mất !

Nhưng may cho tôi, hồi ấy có một chú bé đi theo tôi hoài, hỏi ra là chú Mỹ, em cô Phượng. Trời ơi là trời, đất ơi là đất! Chúng tôi đi chơi với nhau. Một hôm, tôi viết một lá thư và mạnh dạn tôi hăng hái ra đi, nhưng chiều hôm đó tôi không thấy cô ta ra đứng ngoài cửa hóng mát. Rồi chiều hôm sau, chiều sau nữa. Thế rồi một chiều nào đó, tôi lại thấy cô ta đứng rũ tóc bên thềm.

Tìm đủ nghị lực, tôi sán gần cô ta, tay đưa lá thư, miệng lắp bắp một câu: « Phượng… Phượng  cầm… cầm lấy cho… cho… tôi… tôi… lá thư này… » Rồi xong, tôi cắm đầu đi mất,  không dám quay lại, sợ nhìn thấy hoặc cô ta xé lá thư, hoặc quẳng xuống lề đường… tôi sẽ mắc cỡ …

 Để đỡ cho cái nặng nề đó, tôi tìm cách nói khéo với chú Mỹ, chú bằng lòng ngay. Thế là chú thành con chim xanh của tôi. Chiều nào chú cũng để một lá thư lên bàn. Bẩy tháng trời tôi viết
đều đều, gần bẩy chục lá thư mà vẫn không thấy trả lời.

 Tôi đau khổ quá không biết cô ta có yêu tôi không, tại sao cô ta không trả lời tôi, dù thuận dù không…  Lúc bấy giờ tôi mới biết là tình yêu, thế nào là đợi chờ, là có nhiều đau khổ. Héo hon con người.

Thế rồi một hôm chú Mỹ tất tưởi chạy đến nhà tôi, đưa cho tôi một lá thư, hôm đó là một tuần trước ngày kháng chiến toàn quốc, tôi bồi hồi cầm lá thư, ở một góc có đề: Xin TRẠCH LỰU đừng giận KIM PHƯỢNG mà xé lá thư này…, tôi mở ra, đọc từng hàng chữ đều đều, tròn tròn, vuông vắn. Phượng nói yêu tôi từ ngay lúc đầu… nhưng muốn thử lòng tôi để xem tôi có phải là người đứng đắn rồi nói rằng ngày mai Phượng đi tản cư… ở Hà Ðông, cách làng tôi mấy làng… Tôi bàng hoàng như tỉnh một giấc mơ lâu dài chờ đợi từ bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút. Thế là hai hôm sau, tôi đi bộ từ Hà nội qua làng tôi tới làng tạm trú của gia đình nàng, chúng tôi đi chơi dọc dòng sông Nhuệ cùng chú Mỹ, mẹ của Phượng, bà cụ nhìn chúng tôi âu yếm từ đằng xa … đi chơi cùng nhau hết cả buổi chiều, tôi không dám cầm tay Phượng, tôi ân hận tới bây giờ. Tôi trở về thành, thế rồi chiến tranh, ba năm sau tôi sang Pháp. Không rõ Phượng ở đâu, tôi vẫn nhớ Phượng hoài. Một hôm trong trường cái nhớ nó làm tôi điên đầu… trong giờ Etude cuối lớp có anh chàng TRẦN BÍCH LAN NGUYÊN SA đang đọc Socrate hay sao, bên phải gần cửa sổ HOÀNG ANH TUẤN… không biết hắn làm gì, chắc đang làm thơ, tôi cầm cây đàn bấm bấm… hai ngày sau thành bài EM TÔI… cả nhạc lẫn lời. Chủ nhật ra Paris, đường Volontaires, sau bữa cơm trưa, quây quần với nhau, trong đó có Anh Tuấn, Thi Liên, Thoa em gái Nguyên Sa về sau lấy Trần đình Hòa, Bội Liên đã nhận được bài tôi gửi tới trường, hồi đó cô ta có yêu tôi, nhưng tôi tránh vì cô ta con nhà giầu… , Bội Liên dạo nhac trên mấy phím ngà… Nhạc EM TÔI vang lên khắp cả căn phòng, tôi tê tái nghe nhạc tôi, tôi thấy là lạ, chưa quen… vì mỗi lần tôi đã nghe trong tôi hay nghe cây đàn bên tôi nói với tôi, bây giờ những ngón tay ngà chạy qua phím đàn đến với tôi, tôi như ngỡ ngàng đi vào cơn mê…
 Thế rồi tôi chép lại nhạc và lời trên trang giấy học trò, trên những giòng như đã kẻ nhạc, tôi gửi tới nhà xuất bản TINH HOA…
 Những tháng năm qua…

KHI «EM TÔI»  ĐƯỢC NỔI TIẾNG , TÔI KHÔNG ĐƯỢC SỐNG CÙNG VỚI THỜI ĐẠI ĐÓ VÌ TÔI Ở XA , TÔI KHÔNG ĐƯỢC NHÌN NHẬN RÕ RÀNG THẾ NÀO LÀ MỘT BẢN HÁT ĐƯỢC NGƯỜI ĐỜI YÊU CHUỘNG… TRAI HAY GÁI, AI AI CŨNG TƯỞNG LÀ MÌNH CÓ MỘT NGƯỜI YÊU , HAY MÌNH ĐƯỢC YÊU , HAY MÌNH TƯỞNG TƯỢNG CHÍNH MÌNH LÀ CÔ GÁI ẤY, CÒN  CẬU TRAI ĐƯỢC YÊU CÔ GÁI DỊU DÀNG, THƠ NGÂY, ÂU YẾM , MƠ MÀNG CHO NÊN AI AI CŨNG HÁT… CŨNG TƯỞNG LÀ MÌNH… CŨNG CẦM LẤY CÂY ĐÀN…

Rồi một hôm tôi tìm ra điạ chỉ của Phượng tôi viết về cho chú Mỹ, Mỹ trả lời tôi:
 « Em nhận được thư anh, thế là anh vẫn mạnh, chị Phượng đợi anh trong một năm dài, thấy anh không về, tưởng anh chết, rồi ba năm sau chị Phượng để tang anh. Nhiều người đến hỏi chị, chị chỉ lắc đầu. Chị vẫn đợi anh, nhưng hôm qua chị Phượng đi lấy chồng, chị đã 26 tuổi rồi, ngày ngày thầy me thúc dục. »

 Thế là tôi cắt đứt, để Phượng đi lấy chồng cho êm thấm, có bổn phận với chồng với con. Tôi không muốn ám ảnh Phượng nữa để cho nàng yên phận.

Sáu chục năm rồi vẫn nhớ em,
Nhớ ai rũ tóc đứng bên thềm,
Nhớ người giặt áo bên bờ giếng,
Nhớ nhiều, nhớ mãi, mãi không quên…
      
  
Sáu chục năm sau, tôi được biết tin một người bạn cùng trường năm xưa, anh Nguyễn Thiệu Giang viết cùng một tờ báo với tôi hồi đó cùng Thanh Nam, tôi có nhờ anh ta đến căn nhà cũ, anh nói Phượng không còn ở đấy nữa. Nhưng có cho tôi số phone, tôi gọi Phượng, đầu giây Phượng trả lời, tôi nói là tôi, cô ta nhắc đi, nhắc lại ba lần, anh LÊ TRẠCH LỰU hả, anh LÊ TRẠCH LỰU hả, như không tin là có thật, khi tôi bảo là tôi thì cô ta òa ra khóc.

 Nói chuyện cùng nhau hơn nửa tiếng, sau những lúc ân cần hỏi han. Phượng có nói, anh ấy có theo đuổi Phượng trong bốn năm trời, Phượng bảo Phượng có người, anh ta cứ đeo đẳng, Phượng có nói với anh ấy chuyện Phượng và anh. Anh ta chịu là trong lòng Phượng có một người. Tôi xin thành thật cảm ơn Phượng, tình yêu Phượng cho tôi. những năm đợi chờ, đau khổ. Một lúc sau tôi hỏi Phượng: «Thế Phượng còn giữ mấy lá thư ấy không? » Tôi muốn tìm hiểu văn thời 16 tôi viết ra sao chắc là văn lủng củng lắm. Phượng trả lời tôi:

 « Em để vào trong một cái hộp, nó đi theo em tất cả mọi nơi, trong đó có cả tập ảnh chụp hồi đó, nhưng chồng em thấy lúc nào em cũng buồn, nói với em nên giấu nó đi một chỗ, khi nào vui thì hãy mở ra. Thế là ông ta bỏ vào đâu không rõ, mấy năm sau ông ta mất, tìm kiếm khắp nhà không ra. Em chỉ nhớ anh viết dài lắm… viết dài lắm… Hôm nọ em muốn tìm cái hình anh hồi đó, mà không thấy đâu. Tủi thân, em lại ngồi khóc, may rằng con, cháu em bữa đó tụi nó không có nhà…

Thu Tao Ngộ
Tháng mười năm 2009
LÊ TRẠCH LỰU