Thursday, January 7, 2016

CB/XDNT: KỶ NIỆM & HY VỌNG (Trần Nhật Kim)


 
Tình hình chiến sự ngày một căng thẳng.  Tin các trận đánh khốc liệt tại các tỉnh ven biên dồn dập gia tăng.  Lệnh cấm trại 100% buộc mọi nhân viên không được rời nhiệm sở.  

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngày 21-4-1975 và trao quyền cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương.  Đến ngày 28-4-1975 Tổng Thống Trần Văn Hương lại nhường quyền cho Tướng Dương Văn Minh điều hành miền Nam, với tin tưởng Tướng Minh có thể “dàn xếp” với cộng sản Hà Nội, hầu thực hiện cuộc hòa giải.
Khi Thủ Tướng Vũ văn Mẫu lên tiếng yêu cầu người Mỹ rời khỏi miền Nam trong vòng 24 giờ, theo điều kiện của Hà Nội, với hy vọng nói chuyện hòa giải giữa hai miền Nam-Bắc, đã báo trước sự sống còn của miền Nam chỉ tính từng ngày.  Thật là một hành động vô ích, khi đoàn quân xâm lăng cộng sản miền Bắc đã cận kề miếng mồi béo bở miền Nam mà họ quyết tâm chiếm đoạt.  Người miền Nam đã “bỏ của chạy lấy người”, bỏ phiếu bằng chân, theo nhau ra biển.

Ngày 30-4-1975, miền Nam mất vào tay CS Hà Nội.  Theo thông báo của Ban Quân Quản, thành phần cán bộ thuộc Tổng Nha XDNT[1] phải trình diện tại Bộ Nội Vụ vào sáng ngày 2-5.  Chúng tôi gặp cán bộ Đỗ Việt, đại diện Ban Quân quản tiếp thu Bộ Nội Vụ.  Trong buổi trình diện, cán bộ Đỗ Việt nói một câu mà không bao giờ tôi quên: “Tới bất cứ nơi nào mà gặp Cán bộ Áo đen các anh, là chúng tôi phải chuyển quân ngay, nếu không trước sau cũng bị các anh phát hiện”.  Điều này đã chứng tỏ sự hữu hiệu trong công tác loại bỏ thành phần cộng sản hoạt động nằm vùng tại miền Nam của cán bộ XDNT.

Câu nói thật đơn giản, thể hiện thành kiến thù hận như “nước với lửa”, và một chính sách khắc nghiệt sẽ quyết định số phận của thành phần cán bộ áo đen, mà bản chất của người cộng sản vốn chỉ “bắt lầm chứ không tha lầm”.  Mặc dù không phải là cuộc tắm máu như nhiều người liên tưởng, nhưng hành động trả thù tàn nhẫn của CS đang chờ đợi người cán bộ áo đen.
                                                                            *
Sau Hiệp định Genève chia đôi đất nước vào ngày 20-7-1954, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới hai miền Nam Bắc, gần một triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam, trở thành một cuộc di cư lớn nhất lịch sử nhân loại.  Miền Bắc do cộng sản cai trị, còn miền Nam theo chế độ tự do, dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng ngô Đình Diệm.

Cuộc Di cư lớn nhất lịch sử
Chính quyền mới miền Nam được thành lập, chịu trách nhiệm tiếp đón và định cư còn việc chuyên chở những người di cư do chính phủ Pháp, Hoa Kỳ phụ trách và các tổ chức tư nhân yểm trợ.  Chuyến tầu đầu tiên mang tên Anna Salen của Thụy Điển, chở 2.000 người tị nạn đã rời miền Bắc vào ngày 17-7-1954 và cặp bến Sài Gòn ngày 21-7-1954.  Tiếp theo là các phương tiện di chuyển bằng hàng không và đường thủy của chính phủ Hoa Kỳ của một số quốc gia, đã chở người tị nạn vào Nam. 
Về phía Hoa Kỳ, đoàn tầu đặc nhiệm thuộc Hạm Đội 7, dưới quyền điều khiển của Tướng Lorenzo Sabin, đã chuyên chở 100.000 người mỗi tháng, gồm các tầu Marine Serpent, U.S.S Menard, General A.W. Brewster… Đường hàng không cũng được tận dụng để chuyên chở những người di cư.

Theo thống kê của Phủ Tổng ủy Di Cư và Tị Nạn, trong vòng 10 tháng từ ngày 20-7-1954 đến ngày 19-5-1955, tổng số dân rời miền Bắc vào Nam là 875,478 người, trong đó có 871,533 người đi trước ngày 19-5-1955, và 3,945 người đi trong thời gian gia hạn.  Sau thời gian hết hạn di cư theo Hiệp Định Genève, số người vượt tuyến theo đường bộ xuyên rừng qua Lào lên tới 76,000 người, đã nâng tổng số người tị nạn từ miền Bắc vào miền Nam lên gần 950,000 người.  

Để ổn định đời sống cho những người di cư ngày một gia tăng, chính quyền của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn với Nghị Định số 928-NV ký ngày 17-9-1954 do ông Ngô Ngọc Đối làm Tổng Ủy Trưởng.  Song song với các cơ quan về di cư và định cư của chính phủ, còn có các tổ chức hỗ trợ tư nhân như Ủy Ban Hỗ Trợ Định Cư do Giám Mục Phạm Ngọc Chi điều khiển, đã đưa người di cư tới các trung tâm tạm cư nằm rải rác tại một số địa phương, đơn cử như Hố Nai, Gia Kiệm Long Khánh…

Khu Trù Mật
Sự khó khăn trước tiên của chính phủ miền Nam là phải ổn định đời sống của gần một triệu người di cư từ phía Bắc vĩ tuyến 17, nhất là phải tảo thanh tàn dư của chế độ thực dân Pháp còn lại tại miền Nam như Bình Xuyên-Bẩy Viễn, và các lực lượng phá hoại của Ba Cụt, Năm Lửa… Về tổ chức đời sống xã hội cho người di cư, chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã xây dựng hàng ngàn khu Trù Mật tại một số tỉnh miền Nam như Vị Thanh, Hòa Lựu… Vào lúc này, sau khi Hà Nội đưa một số cán bộ cộng sản miền Nam tập kết ra Bắc nhưng gia đình, thân nhân của thành phần tập kết còn ở lại tại miền Nam.  Số người này đã trở thành một lực lượng nằm vùng đáng kể của chính quyền miền Bắc, và là nơi che dấu, yểm trợ cho các cán bộ miền Bắc vào hoạt động tại miền Nam.  Với ý định xâm chiếm miền Nam, cộng sản Hà Nội đã thành lập “Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam” vào tháng 12 năm 1960.

Ấp Chiến lược
Vào cuối năm 1961, Tổng Thống Kennedy cử ông Roger Hilsman tới Việt Nam để định giá về tình hình miền Nam.  Ông Roger Hilsman gặp Sir Robert Thompson, đã đề nghị với Tổng Thống Ngô Đình Diệm về hệ thống Ấp Chiến Lược, nhằm ổn định tình trạng an ninh vùng nông thôn Việt Nam.  Vào tháng 2 năm 1962, Roger Hilsman đưa ra chương trình Ấp Chiến Lược (A Strategic Concept for South Vietnam) đã được Tổng Thống Kennedy và Tổng Thống Ngô Đình Diệm phê chuẩn.  Trong bài diễn văn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đọc vào tháng 4-1962, đã nhấn mạnh tới những yếu tố căn bản là phải loại trừ ba kẻ thù: “chậm tiến, chia rẽ và cộng sản” [2].

Ấp Chiến lược được thực hiện với mục tiêu là tập trung số dân tại các vùng hẻo lánh về sinh sống tại những địa điểm này, hầu bảo vệ họ và cô lập, loại trừ thành phần cộng sản xâm nhập phá hoại đời sống của người dân. 

Ấp Chiến Lược được nâng lên hàng quốc sách dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa.  Theo nhận định của ông Ngô Đình Nhu, muốn củng cố sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, phải loại bỏ được sự chậm tiến và chia rẽ, cũng như chế độ cộng sản, một thứ tay sai ngoại bang.  

Với những ưu điểm của Ấp Chiến Lược, theo ký giả Suzanne Labin, “Ấp Chiến Lược quy tụ những hộ gia đình sống rải rác dọc theo các con kênh hay làng mạc hẻo lánh vào ấp, một nơi với hàng rào tre vót nhọn hay kẽm gai, đã chặn đứng CS đột nhập vào ban đêm.”  Người dân trong ấp được đoàn ngũ hóa theo tuổi tác để có khả năng tự vệ.  Ấp Chiến Lược đã trở thành một tiền đồn chống lại bước tiến của cộng sản.
Chính sách Ấp Chiến Lược cũng được sự cố vấn của Sir Robert Thompson, một chuyên viên về chiến thuật chống nổi dậy.  Đầu năm 1963, một toán thuộc Lực Lượng Đặc Biệt VNCH được chỉ thị lập trại tại Kannack thuộc quận An Túc-An Khê-tỉnh Bình Định, và toán cố vấn người Anh do ông Richard Noone làm trưởng toán, với mục đích hỗ trợ quận gom dân gốc Bahnar về Kannack.  Sau 6 tháng ở Kannack, cả toán đã rời đi Plateau GI, thuộc quận Chương Nghĩa, phía Bắc tỉnh Kontum.  Công tác lập ấp ở đây bị ngưng sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị sát hại vào tháng 10-1963.

Nông thôn miền Nam 
Trong thời gian từ 1954-1963, đời sống kinh tế xã hội miền Nam hoàn toàn thay đổi.  Với Dụ số 2 và số 7, chương trình Cải Cách Điền Địa đã thiết lập quy chế tá canh.  Ngày 22-10-1956, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành Dụ số 57, mỗi điền chủ chỉ được phép giữ 100 mẫu ruộng, trong đó 30 mẫu được trực canh, còn 70 mẫu phải cho tá điền thuê theo tá canh.  Số ruộng của điền chủ bị truất hữu sẽ được chính phủ bồi thường.  Số ruộng này được bán cho tá điền mỗi gia đình 5 mẫu, trả góp trong 12 năm.  Giới điền chủ đã thực tâm ủng hộ chính sách Cải Cách Ruộng Đất, vì họ được đền bù những ruộng đất đã bị mất mát vì chiến tranh.

Sau cuộc đảo chính 1-11-1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị giết hại, nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã chấm dứt.  16.000 Ấp Chiến Lược bị hủy bỏ bởi sắc luật số 103/SL/CT do Thủ Tướng Nguyễn Khánh ký ngày 9-3-1964, khiến cộng sản Hà Nội có cơ hội  tạo ra những trận đánh khốc liệt hầu tiến chiếm miền Nam như Tết Mậu Thân năm 1968 và Mùa Hè đỏ lửa năm 1972.  

Khi hai ông Diệm và Nhu bị sát hại, Ellen J. Hammer đã ghi lại trong tác phẩm “A Death in November” cho biết : “Đài phát thanh Hà Nội đã trích dẫn báo Nhân Dân cho rằng, sự lật đổ Ngô Đình Diệm và em ông là Ngô Đình Nhu, tụi đế quốc Mỹ đã tự mình hủy diệt những cơ sở chính trị mà họ đã mất biết bao năm để xây dựng.”[3]
 
Hành động sai lầm khi hủy bỏ quốc sách Ấp Chiến Lược đã bỏ ngỏ nông thôn, tạo điều kiện cho cộng sản nằm vùng xây dựng cơ sở hạ tầng.  Trong thời gian từ cuối 1963 đến 1965, các cuộc đảo chánh và chỉnh lý liên tiếp xẩy ra, cộng sản Hà Nội lợi dụng tình hình bất ổn tại miền Nam, đã đưa quân đội từ miền Bắc vào Nam.  Sẵn có cơ sở hạ tầng, nên kiểm soát được một số địa điểm tại nông thôn.

Trước tình trạng bất ổn, chính quyền miền Nam đã thành lập Ấp Tân Sinh và đội ngũ cán bộ vào năm 1965 để bảo vệ an ninh địa phương, nhưng vì thiếu phương tiện nên Ấp Tân Sinh không đạt hiệu quả yêu cầu.

Vì nhu cầu ổn định nông thôn, đầu năm 1966 chính quyền miền Nam đã thành lập chương trình Xây Dựng Nông Thôn, dưới quyền điều hành bởi Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng, Tổng Ủy Viên Xây Dựng kiêm Tổng Thư ký Hội Đồng Xây Dựng Nông Thôn Trung Ương.

Trọng tâm của chương trình XDNT là tạo dựng tại nông thôn tinh thần tự lực, tự cường và tự vệ.  Để theo dõi các hoạt động trong các xã ấp tại nông thôn, chương trình Lượng Giá Ấp (HES: The Hamplet Evaluate System) được thực hiện. 
Bản Lượng Giá Ấp gồm một danh sách in sẵn những câu hỏi chi tiết, chẳng hạn trong ấp có bao nhiêu TV, bao nhiêu nóc gia mái lợp tôn…cũng như về nghề nghiệp của cư dân trong ấp: bao nhiêu người hành nghề đánh cá, bao nhiêu người thuộc thành phần buôn bán, bao nhiêu người làm nghề nông…(*)
 Bản Lượng Giá Ấp với 27 câu hỏi ghi nhận các báo cáo mật về tình trạng các ấp: đã bình định, trong tình trạng tranh tối tranh sáng hay bị Việt cộng kiểm soát.  Tình trạng các Ấp được chia ra làm 4 loại:  A, B, C và D. 
  • Loại A: Ấp đã được bình định, những nơi không bi Việt cộng quấy rôí.  
  • Loại B: Ấp đã bình định nhưng có một vài hoạt động của cộng sản.
  • Loại C: Ấp thuộc loại xôi đậu.
  • Loại D: Ấp bị Việt cộng kiểm soát  
Song song với chương trình Lượng Giá Ấp, chương trình lượng giá về lực lượng quân sự tại địa phương (TFES: Territoral Forces Evaluation System) cũng được thực hiện, nhằm báo cáo về lực lượng quân sự, tinh thần chiến đấu, võ khí và các nhu cầu trang bị tại các ấp và quận. 

Cuộc tổng công kích của cộng sản Hà Nội vào Tết Mậu Thân 1968 hoàn toàn thất bại, an ninh tại nông thôn được vãn hồi.  Từ đầu tháng 11-1968, một kế hoạch bình định mới có tên APC (Accelerate Pacification Campaign) được thi hành.  Kế hoạch này không chỉ nhằm tái lập an ninh mà còn tổng hợp phát triển về cả chính trị và kinh tế.
Vào lúc này, Trung Tâm Bình Định và Phát Triển trực thuộc Phủ Tổng Thống được thành lập.  Các Bộ quan trọng đều nằm trong Hội Đồng này.  Hội đồng Bình Định Trung ương và chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phải bảo vệ từ 75 đến 85% dân chúng miền Nam trong vùng do chính phủ kiểm soát.  Theo báo cáo HES, trong số 1333 ấp do chương trình APC thực hiện, khoảng 1055 ấp được xem là an ninh, nghĩa là chính phủ kiểm soát thêm 1.6 triệu dân…[4]     
                   
Chương trình Cải cách đền địa tiếp nối, đến năm 1969 số người cầy có ruộng đạt con số 438.000 người.  Chương trình Bình Định và Phát Triển Nông Thôn được tiến hành vào tháng 7-1969, tái tổ chức nông thôn.  Cán bộ XDNT được phối trí về các xã ấp để giúp nông dân về kỹ thuật sản xuất cũng như nắm vững tình hình an ninh địa phương.
Ngày 27-3-1970, Tổng Thống nguyễn Văn Thiệu ban hành luật “Người Cầy Có Ruộng”.  Ruộng đất không trực canh bị truất hữu phân phối cho tá điền.  Tại miền Nam mỗi tá điền được cấp 3 mẫu và miền Trung được cấp 1 mẫu. 

Chương trình NCCR hoàn tất vào ngày 28-2-1973, đã hữu sản hóa cho 858.821 tá điền với 1.003.323 mẫu ruộng đất.  Nông thôn cũng được cơ giới hóa và người dân tập quen xử dụng phân bón hóa học khiến năng xuất nông phẩm gia tăng gấp bội.  Vào năm 1974, sản lượng gạo  tăng tới 7.2 triệu tấn, đã cải thiện đời sống người dân tại nông thôn.

Sau chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, quân đội Hoa Kỳ rút dần khỏi miền Nam Việt Nam, viện trợ cũng giảm theo, từ 1.614 triệu Mỹ kim cho tài khóa 1972-1973 đã rút xuống 1.026 triệu Mỹ kim cho năm 1973-1974, mặc dù VNCH phải tăng quân số để lấp vào khoảng trống của quân ngoại nhập.  Trong tài khóa 1974-1975 số viện trợ chỉ còn 700 triệu Mỹ kim, nhất là về chiến cụ không được thực hiện theo cam kết “1 đổi 1”, khiến quân đội miền Nam giảm sút phương tiện chiến đấu.

Để thích ứng với hoàn cảnh chiến tranh tại miền Nam, chính quyền Trung Ương đã cải tổ công vụ vào đầu năm 1974.  Theo đó, Bộ Phát Triển Nông Thôn bị bãi bỏ và Nha Cán Bộ trở thành Tổng Nha Cán Bộ Nông Thôn trực thuộc Bộ Nội Vụ.  Một số cán bộ XDNT đã được chuyển qua các ngành khác, nhân số cán bộ tại địa phương giảm theo nên hiệu quả hoạt động cũng giảm sút. 

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người cán bộ XDNT luôn gắn bó, chia sẻ những khó khăn của người dân, được người dân địa phương tin tưởng, cùng chung sức bảo vệ miền Nam trước họa cộng sản.  Một điểm khác biệt với đám “công an khu vực” của cộng sản sau ngày 30-4-1975, một loại công an luôn theo rõi, báo cáo mọi hành động cũng như đe dọa , gây khó khăn hầu chiếm đoạt tài sản của người dân.

Trong buổi họp tái phối trí cán bộ ngành XDNT tại Phủ Thủ Tướng, một hình ảnh ghi đậm trong tâm tư người cán bộ áo đen, khi thấy Đại Tá Nguyễn Tài Lâm, Giám Đốc Nha Cán Bộ mặc “cán phục”, bộ bà ba đen với huy hiệu Tổ Quốc-Nhân Dân và biểu tượng Cờ Vàng, trước các vị Tướng Tá áo gắn huy chương và các quan chức cao cấp các Bộ y phục hợp thời trang.  Phong thái của Đại Tá Giám Đốc đã chứng tỏ tinh thần hãnh diện về ngành XDNT, vốn là tai mắt tại nông thôn, đã chặn đứng các hoạt động xâm nhập phá hoại của cộng sản tại miền Nam.  Nhân cách kiên cường này thật hiếm thấy nơi các vị chỉ huy, nhất là sau này, trong các trại tù “cải tạo” của cộng sản từ Nam ra Bắc.

*
Với phương châm “cùng ăn-cùng ở-cùng làm” cùng nhân dân chiến đấu trước hiểm họa cộng sản.  Người cán bộ XDNT đã chia sẻ sự khó khăn của người dân tại xã ấp, thường xuyên đối diện với hiểm nguy, đã trở thành mục tiêu phải thanh toán của cộng sản Hà Nội.  Sau ngày 30-4-1975, cán bộ XDNT bị đầy ải, một số bị thảm sát, phải chịu đựng những hành động trả thù tàn nhẫn của cộng sản, từ địa phương cho đến các trại tù “cải tạo” từ Nam ra Bắc, và gia đình cán bộ bị địa phương ngược đãi, theo rõi, gây khó khăn trong đời sống.  

Sau 70 năm cai trị miền Bắc và 40 chiếm đoạt miền Nam, đảng cộng sản đã để lộ nguyên hình là một đảng cướp, một tập đoàn tham tàn độc đoán, chỉ biết phục vụ cho quyền lợi của đảng và giới cầm quyền, đã biến thành phần “Nhân dân làm chủ” thành một loại nô lệ không công. 

Trước tình trạng xã hội ngày càng băng hoại, người Việt đã nhìn rõ mặt trái của chủ nghĩa cộng sản không vì quyền lợi của dân tộc.  Một đất nước gọi là thống nhất, chỉ mới thống nhất về địa dư, nhưng thực chất nhân tâm bị chia rẽ trầm trọng.  Nền kinh tế ngày càng xuống dốc, hố sâu ngăn cách giầu nghèo ngày thêm rộng lớn.

Đã tới lúc người Việt trong và ngoài nước phải một lòng loại bỏ chế độ cộng sản vong bản Hà Nội làm tay sai cho Bắc Kinh, đang đưa đất nước vào vòng nộ lệ.  Đã tới lúc người Việt trong và ngoài nước phải liên kết để xây dựng một nước Việt tự do, dân chủ và phú cường./
Trần Nhật Kim



[1] tức “Tổng Nha Phát Triển Nông Thôn”.
[2] Nguồn: Vietnam Center and Archive, Texas Tech;  2002_Symposium Paper.  
[3] Nguồn: Nguyễn Đức Cung.
[4] Nguồn: Stephen B. Young - Cuộc chiến thắng bị bỏ lỡ- tr. 266, 267.

No comments:

Post a Comment