Saturday, March 17, 2018

TIẾNG HÁT HỌC TRÒ (Phạm Đức Hiền)



Tôi đi trong mơ, tìm bóng dáng yêu kiều,
Mùa Thu lá rơi bên thềm thật nhiều…

Trong lúc lang thang trên những con đường Montreal trong chiều Thu ngập lá maple, biểu tượng của Canada, tôi bỗng ngân nga “dư âm câu ca tuổi niên thiếu nào thấy, tìm đâu tiếng hát thơ ngây...”.

Đó là “tiếng hát học trò” của “cố nhân”, người mà tôi nghe nói đang “chôn vùi” cuộc đời còn lại của mình ở thành phố buồn này.

Ước mong “gặp lại người xưa” một phần là do sự hối thúc của... con tim, nhưng phần lớn là để “giải mã” một “huyền thoại” đang được thêu dệt về mỹ nhân từng làm “xiêu vẹo” cây si nổi tiếng ở Phú Yên.  

Tôi, một trong những người ở tuổi học trò của thập niên 1960, từng sang Đông Tác để khắc 2 mẫu tự “H&M” lên cây si này, nhưng hồi đó, mình “quá nhỏ”, chỉ khắc được ở dưới thấp của gốc cây; nên dĩ nhiên, chẳng bao lâu, bị nhạt nhòa vì:
Yêu em, khắc chữ thấp tè,
Ngừ ta khắc đậm nó đè lên trên.

Mối tình đơn phương đó vẫn còn gặm nhấm trái tim; nên, sau khi đến Montréal, tôi liền năn nỉ anh chị Nhạc- Hương làm sao cho tôi được tao ngộ “cố nhân” cho thỏa lòng mong ước. 

Thế là trưa Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017, trong lúc cùng anh chị Nhạc-Hương ngồi chờ ở tại quán “Kim Hour Restaurant” trên đường Boulevard Saint-Michel, Montréal, tôi bỗng thấy cánh cửa mở ra, rồi một khuôn mặt quen thuộc cùng với gió thu lướt vào; tôi buột miệng “Minh Hồng Châu!”

Đúng vậy, cố nhân Nguyễn Thị Minh, nicknamed “Minh Hồng Châu” (gọi tắt là “Minh Châu”) bằng xương bằng thịt hiện ra trong hình dáng “góa phụ áo đen” mang theo những lá thu buồn cuối tháng 10 ở Québec. 
Tôi mở máy hình định chụp, nhưng cô nàng không chịu, lấy tay ngăn lại, như sợ chàng phóng viên paparazzi tôi hé mở một cánh cửa đã khép kín từ lâu.     

Nhưng cuối cùng, cánh cửa cũng đã được mở rộng, và nhờ sự “động viên” của Mai Hương, đôi bạn xưa “H&M” được ngồi bên nhau, sau nửa thế kỷ xa cách.  

Qua flash của máy hình, chúng ta đưọc thấy “Minh Hồng Châu” vẫn là “minh tinh” tươi mát thuở nào, một “Minh Châu” của Tuy Hòa ngày xưa, chứ không “cằn cỗi” như hình ảnh nhạt nhòa mà tôi được mô tả từ một vài người ở San Jose, nói đã có dịp gặp nàng ở đâu đó bên trời tây.
Chúng tôi ôn lại chuyện xưa, chuyện có những chàng đến tiệm Hồng Châu, giả bô xem radio để mua, nhưng thực ra là để ngắm cô nàng có khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương, với đôi cánh tay có những sợi lông măng gợi cảm.  (Lời của Phạm T. ở San Jose).


Tôi hỏi Minh là hồi đi học có “dấm đài”, như ngừ ta đồn hay không; thì Minh Châu mỉm cười: “Có!” (Nói thêm “ai mà chả zậy!) Nhạc-Hương ngồi nghe đôi bạn ôn lại chuyện xưa mà vui lây, trông cứ như là một cuộc hẹn hò ở tuổi học trò. 

Sau đó Nhạc-Hương mời đôi bạn đến tư gia của hai người bên bờ sông Rivière des Prairies trong một khung cảnh mùa thu tuyệt đẹp.   Đứng từ lan can của tầng thứ 14, tôi có tưởng như mình viếng thăm cung quảng, rồi bỗng buột miệng nói “ở cao như thế này thì đúng là ‘gần trời’ xa đất’”.  “Tức cảnh, sinh tình”, tôi ngân nga:
Một vòng hoa mây lung linh trìu mến 
Đẹp như muôn tơ óng mềm 
Yêu đời tôi hát triền miên. 

Có lẽ là người đẹp, chứ không phải cảnh đẹp, đã làm “tôi hát triền miên”.


Dù chưa đụng đến tủ rượu của “Chú Cuội” mà hồn tôi đã ngây ngất; cung quảng của Nhạc-Hương không vướng một hạt bụi nào nhờ chú cuội quét dọn và lau chùi mỗi ngày; thế mà thỉnh thoảng vẫn bị Hằng Nga la rầy. 
Chú Cuội và Hằng Nga.

Sau khi ăn uống và chuyện trò, chúng tôi phải chia tay trong buổi chiều thu thật buồn; và vì vẫn còn quyến luyến, nên chúng tôi lại hẹn gặp nhau vào Thứ Ba tuần sau, cũng tại cung quảng này.

Để khỏi bị kẹt xe vào giờ cao điểm mà anh Nhạc nói phải mất 2 tiếng đồng hồ mới về đến nhà sau khi trả tôi về nơi tạm trú, nên chúng tôi hẹn gặp nhau vào lúc 10 giờ, để có thể tránh được “giờ cao điểm” (rush-hour).


Nhưng thật oái oăm, tôi đợi đến 12 giờ trưa mà vẫn không thấy ảnh đến đón; hỏi ra thì biết ảnh bi kẹt xe, vì toàn thành phố Montréal bị cúp điện.  Xe hết xăng phải gọi “bảo hiểm” cứu nạn. Đã thế, trong lúc vội vàng chàng lại vi phạm luật giao thông, nên cảnh sát tặng cho một cái giấy phạt.  

Trong lúc chúng tôi lòn lách qua dòng xe cộ, Mai Hương ở nhà chuẩn bị những món ăn để đón khách.  

Vừa nhâm nhi rượu nồng và những món ăn ngon, chúng tôi ngắm những tác phẩm nghệ thuật do Hằng Nga thiết kế trong nội thất:

Nhìn ra ngoài trời, tôi có cảm tưởng như mình là một Từ Thức lạc vào cảnh thiên thai:

Canada đã bắt đầu lạnh, nhưng lòng tôi cảm thấy ấm áp khi vào nhà và được truyền hơi ấm từ cố nhân, người mà tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại. 
Cám ơn “Minh Châu”, cám ơn Nhạc-Hương, người đã tặng tôi một hộp chocolate Cheveliers d’Argouges để bây giờ được nếm sự ngọt ngào của “tình yêu”.

Trên phi cơ trở về Mỹ, nhìn qua cửa sổ xuống con sông Rivière des Prairies, tôi khe khẽ hát:
Rồi thời gian trôi xuân qua hè tới 
Mùa thu mây bay khắp trời 
Gieo niềm thương nhớ đầy vơi.
San Jose, chiều Thu
Phạm Đức Hiền  























No comments:

Post a Comment